Giới thiệu về Trường THCS Phan Huy Chú, Thạch Hà, Hà Tĩnh

Trường THCS Phan Huy Chú Huyện Thạch Hà - Tỉnh Hà Tĩnh hôm nay có điểm xuất phát cội nguồn là lớp học con các gia đình chính sách từ năm 1978. Nói là lớp học con các gia đình chính sách nhưng về thực chất là nơi gửi gắm những học sinh giỏi nhân tài tương lai của đất nước.

Có thể nói rằng đây cũng là kiệt tác của lãnh đạo phòng Giáo dục đào tạo huyện Thạch Hà bấy giờ. Sau nhiều năm liền nghiên cứu và thí điểm; nhờ sự quan tâm sâu, sát, của lãnh đạo phòng đặc biệt là thầy: Lê Thuần Tứ cùng với sự lăn lộn trực tiếp của thầy và trò mà điển hình là thầy Lê Đức Hân và thầy Nguyễn Phi Yến nên nhân tài cũng bắt đầu nở rộ trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là môn Văn và môn Toán. Chính nhờ những thành tích bước đầu rạng rỡ ấy đến năm 1981 trường mới có quyết định thành lập, trường được mang tên: Trường năng khiếu Thạch Hà.

            Từ một lớp gửi rồi di dời khắp nơi trong địa bàn nhiều xã của huyện: Thạch Linh, Thạch Thượng, Thạch Thanh. Đến năm 1982 trường hình thành được 2 lớp chuyên: Văn và Toán. Thế rồi theo đà phát triển vài năm sau đó trường lại cho ra đời các lớp chuyên: Văn, Toán, Nga văn của khối 7 và 8 (tức ngang với khối 8 và khối 9 bây giờ).

            Nhờ những thành tích đạt được suốt chiều dài thời gian từ khí thành lập đến năm 1995, trường được sự quan tâm giúp đỡ của Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện và đặc biệt là sự tham mưu trực tiếp của lãnh đạo phòng Giáo dục đào tạo Thạch Hà đã đưa trường trở về tiếp quản khu vực mới tại Công an huyện cũ, và cũng bắt đầu một quá trình tu sửa cũ, xây dựng mới được 8 phòng học cao tầng và 8 phòng học nhà cấp 4 với phòng hội đồng, nhà thư viện thiết bị đầy đủ và tạm ổn định.

            Có được sự khang trang ấy là cả một quá trình liên tục phấn đấu của bao thế hệ thầy và trò của trưoừng năng khiếu Thạch Hà. Tuy nhiên chúng ta cũng không bao giờ quên được sự quan tâm sâu, sát của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và lớp lớp các bậc phụ huynh mà trực tiếp nhất là các thầy giáo lãnh đạo trường qua bao thế hệ: Thầy: Lê Đức Hân (nay là cán bộ lãnh đạo ngành giáo dục tại TP Hồ Chí Minh) Thầy là người khai sinh sáng lập ra trường. Thầy: Đồng Văn Hào người kế tục sự nghiệp lãnh đạo trường (nay đã nghỉ hưu), rồi thầy Nguyễn Văn Đồng (nay là hiệu trưởng trường THCS Bắc Hà) đến thầy: Phan Thanh Văn (nay là Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục đào tạo Thạch Hà).
 

Thầy giáo Lê Đức Hân phát biểu trong ngày đặt tượng Danh nhân Phan Huy Chú
Thầy giáo Lê Đức Hân phát biểu trong ngày đặt tượng Danh nhân Phan Huy Chú

            Năm tháng đã trôi qua nhưng tiếng thơm của trường năng khiếu Thạch Hà còn mãi mãi ghi nhận công lao to lớn của bao thế hệ cán bộ giáo viên có mặt từ rất sớm, đó là thầy Nguyễn Phi Yến, cô Lê Thị Hồng Việt, cô Đào Thị Tân, cô Nguyễn Thị Long. Cho đến khi uy danh của trường trở thành niềm tin của các cấp, các ngành và các bậc phụ huynh trong toàn huyện thâm chí cả nhiều huyện bạn và cũng từ đó quy mô trường lớn dần và các thầy cô giáo có năng lực chuyên môn lần lượt chuyển về: cô Tú, cô Ngân, cô Hằng, cô Hồng Việt rồi đến cô Thảo, cô Phương, cô Tuyết, cô Hà, cô Thuỷ, cô Lộc, thầy Hoàng Anh, thầy Tâm, cô Hải Đường, thầy Sâm, rồi sau nữa là thầy Thanh, thầy Dân, thầy Tứ, thầy Danh, cô Hằng, cô Hoài...

            Trong suốt quá trình phấn đấu vươn lên ấy lớp lớp học sinh thân yêu cũng đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện. Điển hình ghi nhận và mãi mãi được nhắc tên trong sổ vàng danh dự của trường và ngay cả trong tiềm thức mọi người đó là các em: Đỗ Khoa Vũ, Nguyễn Thị Thuỷ, Nguyễn Văn Định, Nguyễn Thị Cúc, Nguyễn Quang Bá, Lê Trọng Ngân, Lê Trung Hải, Nguyễn Thanh Hà...

            Tất cả các em đã và đang công tác, học tập và nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước với các hàm học vị: Tiến sỹ, phó tiến sỹ hoặc đang làm việc nghiên cứu trong các ngành khoa học quan trọng ở nhiều nước trên thế giới: Nga, CH Séc, Ba Lan, Đức, Mỹ, Nhật.v.v...

            Trong lớp lớp học sinh xuất sắc của trường còn có rất nhiều học sinh trở thành những thầy giáo, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy khắp mọi miền đất nước.

            Thế là các thế hệ thầy giáo, cô giáo và học sinh của trường năng khiếu Thạch Hà đã lần lượt đi qua gây ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người. Chính vì lẽ đó trường năng khiếu Thạch Hà đã trở thành địa chỉ tin cậy không chỉ cho nhân dân trong huyện mà cho cả bạn bè gần xa khi nhắc đến tên trường.

Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT về kiểm tra tại trường
Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT về kiểm tra tại trường

            Bước sang năm học 1998-1999, thực hiện Nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ, cũng như các chỉ thị, quyết định của Bộ Giáo dục và đào tạo về việc xoá trường chuyên lớp chọn trong ngành giáo dục và đào tạo, thực hiện giáo dục toàn diện đồng thời mở rộng quy mô trường học lớp học đặc biệt bậc THCS. Trường năng khiếu Thạch Hà một lần nữa lại chuyển mình sát nhập với trường THCS Thị trấn Thạch Hà và cũng từ đó trường được mang tên nhà nghiên cứu, biên khảo lịch sử, nhà thơ, thầy giáo: Phan Huy Chú.

Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT về kiểm tra tại trường
Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT về kiểm tra tại trường

            Phan Huy Chú - Sinh năm 1782, mất năm 1840, quê ở làng Thu Hoạch - Huyện Can Lộc - Trấn: Nghệ An (nay thuộc xã Thạch Châu - Huyện Thạch Hà - Tỉnh Hà Tĩnh). Sau dời ra lập quê ở Sài Sơn (tức làng Thầy, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Nam, nay thuộc tỉnh Hà Tây).

Lễ đặt tượng đồng Danh nhân văn háo Phan Huy Chú
Lễ đặt tượng Danh nhân Phan Huy Chú

            Thuở nhỏ ông có tên là Phan Huy Hạo, về sau vì tránh tên huý của triều Minh Mệnh (bà Đặng Thị Huệ vợ Chúa Trịnh Sâm) nên đổi tên là Phan Huy Chú - Tự là: Lâm Khanh, Hiệu là: Mai Phong. Con trai cụ: Phan Huy Ích (Tiến sỹ), cháu cụ: Phan Huy Cận (Tiến sỹ) và là chắt của cụ Phan Huy Vịnh (Tiến sỹ - Thượng thư bộ lễ).

Lễ đặt tượng Danh nhân Phan Huy Chú

            Với truyền thống gia đình rạng danh ấy nên ngay từ thuở nhỏ ông nổi tiếng hay chữ và đã 2 lần thi đậu tú tài. Đến năm Minh Mệnh thứ 12 (1821) tiếng đồn về các biệt tài của ông đến tai vua, lập tức vua Minh Mệnh truyền chỉ vời ông vào Kinh đô; sau đó bổ chức biên tu ở Viện hàn lâm (như một tiến sỹ). Cùng năm ấy ông dâng sách "Lịch triều hiến chương loại chí" là bộ sách được biên soạn suốt 10 năm trước đó. Năm 1828 ông được giữ chức phủ thừa, phủ thừa thiên. Năm sau thăng hiệp trấn Quảng Nam và sau đó về kinh đô Huế giữ chức Thị độc ở Viện hàn lâm. Ông là người có biệt tài đối đáp ứng khẩu nên 2 lần được triều đình cử làm phó sứ sang triều Thanh quan hệ bang giao. Lần đầu vào năm 1824 trong sứ bộ của Hoàng Kim Hoán, lần sau vào năm 1832. Đến năm Minh Mệnh thứ 14 (tức 12/1883) ông được phái đi làm hiệu lực một đoàn công cán sang quan hệ bang giao với Giang-lưu-ba (tức xứ Ba-ta-via, sau là Ja-Kar-ta nước In-đô-nê-xi-a ngày nay). Sau chuyến công cán ấy về nước ông được phục chức: Tư vụ bộ công, ít lâu sau ông xin từ quan về nhà dạy học rồi mất.

            Cuộc đời và sự nghiệp của Phan Huy Chú đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam và trở thành một trong những danh nhân văn hoá làm rạng danh tỉnh và huyện nhà.

            Ông không chỉ là quan chức mà còn là một nhà nghiên cứu, biên khảo lịch sử, nhà thơ, nhà giáo, đặc biệt nhất ông đã để lại cho đời sau tác phẩm "Lịch triều hiến chương loại chí" gồm 49 quyển bộ sử này được coi như là bộ "Bách khoa toàn thư" đầu tiên của Việt Nam. Chưa nói đến ông còn là bậc thầy trên nhiều lĩnh vực Địa lý, thơ cơ, và các lĩnh vực khác.

            Với công lao to lớn của ông, cũng như những gì mà ông để lại cho muôn đời con cháu mai sau đó cũng chính là niềm tự hào của nhân dân Hà Tĩnh nói chung đặc biệt là nhân dân Thạch Hà nói riêng. Chính vì lẽ đó trường chúng ta mang tên ông: Trường Phan Huy Chú.

            Từ khi thành lập dưới sự lãnh đạo của cô giáo Lê Thị Hồng Việt (cựu giáo viên của trường) rồi tiếp nối là thầy Trần Huy Sâm nay là hiệu trưởng trường. Suốt bao năm trời liên tục ấy di dời, rồi nhập: Thị trấn Cày đến nhập với Thạch Thượng, nhưng thầy và trò trường Phan Huy Chú không chỉ kế tục truyền thống trường Năng khiếu Thạch Hà xưa mà còn phát huy cao độ mọi năng lực chuyên môn chuyển tải tận từng khoá học, lớp học và đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ từ giảng dạy, học tập đến nghiên cứu khoa học với nhiều thành tích làm nấc lòng nhân dân trong tỉnh và huyện nhà.

            Có được những thành tích tuyệt đỉnh ấy, trước hết phải kể đến công lao vô tận của các thầy giáo, cô giáo là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo: Cô Lê Thị Hồng Việt, cô Đào Thị Tân, thầy Trần Huy Sâm, thầy Trần Quốc Danh, cô Lê Thị Hà, cô Nguyễn Thị Thuỷ, cô Hồ Thị Tuyết, cô Nguyễn Thị Tú... và mẫu mực như thầy: Trần Trường Thọ mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn miệt mài với trang giáo án trong từng tiết dạy. Và đây nữa bên cạnh thầy cô giáo già thì lớp trẻ sung sức đang vươn lên như thầy Phan Thanh Dân, thầy Trương Hữu Hoa, cô Nguyễn Thị Yến, cô Nguyễn Thị Hoài, cô Nguyễn Thị Thu.... Và tất cả tạo nên nhịp sống vô song dấy lên trong học tập và lao động của toàn trường, đồng thời cũng là nhân tố tích cực vô cùng quan trọng tạo nên một thế hệ học sinh xuất sắc với nhiều giải có giá trị trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh như em Trần Nhật Sinh, Nguyễn Cẩm Thơ, Lê Văn Du, Trần Cẩm Thuỷ, Đặng Huyền Thương, Trương Quốc Hải...

Sân trường mới năm học 2018-2019

            Chảy mãi với thời gian là học sinh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền trường còn thu hái hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học bậc 4/4 cấp tỉnh cũng như nhiều danh hiệu chiến sỹ thi đua, giáo viên giỏi cấp tỉnh. Với bề dày thành tích ấy, năm học 2000-2001 trường được Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen duy nhất cho trường Phan Huy Chú về thành tichs bồi dưỡng học sinh giỏi.

            Năm 2001-2002 với uy danh ấy, tiếng thơm ấy truyền thống của trường đi mãi cùng thời gian và rạng danh hơn với thành tích học sinh giỏi cấp tỉnh được Bộ Giáo dục tặng bằng khen.

            Bước sang năm học 2002-2003 chấp hành và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ cũng như chỉ thị và quy định của Bộ Giáo dục về công tác xây dựng trường điểm và trường chuẩn quốc gia, lại được sự quan tâm sâu, sát, cụ thể và chi tiết của Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện, phòng Giáo dục đào tạo, chính quyền 2 địa phương Thị trấn Thạch Hà và xã Thạch Thanh. Một lần nữa trường Phan Huy Chú lại chuyển mình vào tương lai mới đầy hứa hẹn nhập trường THCS Phan Huy Chú với trường THCS xã Thạch Thanh thành trường liên xã có quy mô để rồi xây dựng trường chuẩn quốc gia. Khó khăn lại bắt đầu: từ cơ sở vật chất, đất, nhà, thiết bị dạy và học, rồi tư tưởng từ phụ huynh đến học sinh: xa, gần, giỏi, yếu bất cập...

Thầy giáo Võ Tá Lợi chụp ảnh lưu niệm cùng Đội tuyển HSG tỉnh do thầy dạy bồi dưỡng

            Nhưng bất chấp mọi khó khăn gian khổ cản ngăn, 75 cán bộ giáo viên lớp già giàu kinh nghiệm và mẫu mực, lớp trẻ hăng hái nhiệt tình tất cả hội tụ thành một khối vững chắc dưới sự lãnh đạo sâu, sát, kịp thời của chi bộ Đảng, Công đoàn mà đặc biệt là Ban giám hiệu nhà trường, tất cả chung trí, chung lòng, chung sức tiến lên, xốc tới. Một mặt tự trang bị cho mình đầy đủ gánh hành lý trí tuệ bước vào trận mới, mặt khác tăng cường mọi hoạt động giáo dục thể chất tạo nên luồng sinh khí mới. Với những quyết tâm cao độ ấy ngay từ đầu trường đã gặt hái bao thành tích đáng tự hào từ dạy tốt đại trà, mở rộng hệ thống lớp học tình thương cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, và đặc biệt nhất trường đoạt giải nhất học sinh giỏi tỉnh lớp 9 với 45 em trên 65 em đạt giải toàn huyện trong tổng số 80 em dự thi.

            Có được thành tích ấy phải kể đến đội ngũ giáo viên và nhân viên của trường, tất cả vì học sinh thân yêu, họ không chỉ là những giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh, chiến sỹ thi đua cấp ngành mà còn là những con ong cần mẫn sớm hôm miệt mài sách vở vừa chăm lại vừa lo âu, xem học sinh như chính ruột thịt của mình. Chính vì lẽ đó thành tích của trường mãi được ghi nhận qua tấm bằng khen của Chỉnh phủ tặng về thành tích học sinh giỏi.

Lễ trao giải Giáo viên giỏi cấp Tỉnh năm học 2018-2019- Huyện Thạch Hà đứng thứ Nhất toàn Tỉnh

            Nếu tính bình quân 10 năm lại đây thì hàng năm trường THCS Phan Huy Chú đạt con số chỉ tiêu thật đáng tự hào:

            - Đội ngũ thầy cô giáo: luôn đứng đầu huyện về giáo viên giỏi huyện và giáo viên giỏi tỉnh, kể cả chiến sỹ thi đua cấp ngành. Nhiều thầy cô giáo đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền như: Thầy Dân, cô Thuỷ, thầy Lợi, cô Thu, cô Yến.

            Còn nói về đồ dùng dạy học luôn là tốp dẫn đầu trong toàn huyện, đội ngũ giáo viên của nhà trường nhiều giáo viên trở thành niềm tin của lãnh đạo phòng về tham mưu nghiệp vụ chuyên môn trong nhiều bộ môn.

            - Lại nói về chất lượng giáo dục học sinh: Về học sinh giỏi luôn đoạt giải nhất toàn huyện các đội 6, 7, 8 và đoạt giải nhất hoặc nhì toàn tỉnh về học sinh giỏi lớp 9. Nhiều học sinh trở thành con chim đầu đàn của các trường trung học phổ thông năng khiếu tỉnh và chuyên bộ.

            - Còn nói về chất lượng đại trà hàng năm:

                        Tỷ lệ lên lớp 100%.

                        Đậu tốt nghiệp 97% - 99,3%.

                        Vào thẳng THPT: 75% - 85%.

                        Vào năng khiếu tỉnh và chuyên bộ từ 20 em - 25 em/năm.

            Vậy là thành tích nối tiếp thành tích chảy mãi với thời gian.

            Thế rồi bước sang năm học 2004-2005 chấp hành nghị quyết và chỉ thị của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Thạch Hà, phòng giáo dục đào tạo Thạch Hà và Đảng bộ, HĐND, UBND 2 địa phương: Thị trấn Thạch Hà và xã Thạch Thanh về việc xây dựng cơ sở vật chất cho việc xây dựng trường chuẩn quốc gia.

            Thầy - trò trường Phan Huy Chú lại một lần nữa lao vào những thử thách mới đó là công cuộc di dời lên vùng đất mới hoang sơ này. Khó khăn lại nối tiếp khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của chi bộ, công đoàn và ban giám hiệu nhà trường tất cả chung một lòng quyết tâm.

Chụp ảnh lưu niệm HSG cấp Tỉnh năm học 2017-2018

            Chính vì vậy mới chỉ hơn 5 tháng thôi mà trường đã khang trang hùng vĩ trước nắng, gió, mưa và rét kể cả màu xanh cũng bắt đầu nẩy lộc đâm chồi cho một tương lai đầy hứa hẹn. Mọi hoạt động của thầy và trò đã đi vào ổn định đã và đang dấy lên một hội mùa mới với những giờ dạy xuất sắc của cô Tân, cô Tú, cô Hà a, cô Thuỷ, thầy Lợi, cô Yến, cô Hoài, cô Thu, cô Hà Oanh, cô Nhung, cô Thi, cô Kiều. Và nhiều bộ hồ sơ xuất sắc: cô Thu, cô Phương Thanh, cô Yến, cô Hà a, cô Thanh b, cô tuyết, thầy Lợi, cô Thi.

            Các đội tuyển học sinh giỏi đã đi vào ổn định hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

            Có thể nói rằng chúng ta đáng và rất đáng tự hào về truyền thống của trường Phan Huy Chú hôm nay, mặc dù đã trải qua một lần đổi tên, ba lần nhập trường và nhiều lần di dời nhưng sức trẻ, khoẻ của trường vẫn như mầm xanh mãi vươn lên kế tục và phát huy xuất sắc dòng chảy của trường Naưng khiếu Thạch Hà xưa và chảy mãi vào vô tận của thời gian với những thành tích sau rạng danh hơn thành tích trước.

            Chúng ta cùng ôn lại vài nét dù sơ lược về truyền thống của trường, mong rằng trong mỗi chúng ta dù thầy hay trò cũng phải cùng nhau quyết giữ và phát huy mãi mãi truyền thống huy hoàng ấy.

            Một là: Làm món quà đặc biệt dâng lên hương hồn cụ Phan Huy Chú nhà nghiên cứu lịch sử, nhà thơ, nhà giáo mà trường mang tên.

            Hai là: Thoả lòng mong ước của các cấp, các ngành luôn quan tâm giúp đỡ nhà trường và sau đó là thoả lòng các bậc phụ huynh xa gần.

           Thầy giáo Phạm Lê Hòa- Hiệu trưởng trường THCS Phan Huy Chú từ năm học 2019-2020

Kính chúc các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh thân yêu sức khoẻ và cùng nhau chung trí, chung sức, chung lòng phát huy truyền thống tốt đẹp của trường để những truyền thống ấy mãi mãi trường tồn theo dòng chảy thời gian.

   Tác giả: BGH trường THCS Phan Huy Chú

Đăng bài và ảnh: Nguyễn Văn Hà

PCGD
BO GDDT
SMAS
Violet
Bo GDDT
Trường học kết nối
ViettelStudy
Youtube
Tài liệu Tiếng Anh THPT-THCS
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây