Khi lớp học online bị “tấn công”
Để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn trong thời gian tạm đóng cửa trường vì dịch COVID-19, ngành giáo dục đã đẩy mạnh triển khai dạy học trực tuyến. Nhiều địa phương đặt mục tiêu 100% học sinh được học tập qua internet. Việc chuyển đổi phương thức dạy học này cũng bước đầu mang lại hiệu quả, không chỉ dừng ở việc ôn tập mà còn giúp cung cấp kiến thức mới cho học sinh. Nhưng sau một thời gian triển khai, dạy học online cũng lộ những bất cập cần khắc phục.
Ngoài những yếu tố về chất lượng đường truyền, thiết bị công nghệ, thì gần đây nhiều giáo viên bày tỏ lo ngại về tính bảo mật của các phần mềm phục vụ dạy học trực tuyến. Tại Việt Nam, rất nhiều giáo viên, trường học đang sử dụng ứng dụng Zoom để dạy học, vì đây là phần mềm miễn phí, tiện lợi khi sử dụng.
Theo thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn – Giáo viên một trường tiểu học tại quận Bình Thạnh, TPHCM, hiện nay phần mềm Zoom được nhiều giáo viên chọn sử dụng trong giảng dạy bởi sự đơn giản, đủ các tính năng dành cho giáo viên và học sinh. Việc sử dụng Zoom cũng không phải trả phí so với nhiều ứng dụng khác.
Bên cạnh đó, một ưu điểm của Zoom là phần mềm chuyên về “conference”, hệ thống họp video qua web, cho phép mọi người nhìn thấy nhau, nói chuyện trực tiếp qua video, qua thoại nên chắc chắn nhẹ hơn hẳn so với các phần mềm khác.
Tuy nhiên, một số sự cố đã xảy ra. Một giáo viên Trường Tiểu học Tam Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, trong tiết dạy của mình, khi đang mở học liệu là các hình ảnh để minh họa cho bài giảng, thì trên màn hình bỗng xuất hiện nhiều nét vẽ nguệch ngoạc đè lên các hình minh họa. Khi cô hỏi cả lớp ai đang vẽ lên màn hình thì học sinh đều nói không biết. Lớp học phải dừng lại để giáo viên nhờ bộ phận công nghệ tìm người đang “phá tiết học”.
Mới đây báo chí cũng đăng tải câu chuyện một giáo viên hốt hoảng phát hiện clip sex phát tán từ tài khoản trong lớp học. Sau sự việc trên, tìm hiểu mới biết lý do là một bạn học sinh trong lớp đã lên một nhóm trên Facebook, gửi ID và mật khẩu cho một nhóm người để nhóm này vào phá lớp. Nhiều giáo viên cũng phản ánh gặp phải các trường hợp đang dạy online thì thấy xuất hiện các clip của dân giang hồ mạng như Huấn hoa hồng, Khá “bảnh”... khiến lớp học bị ảnh hưởng.
Ứng dụng này đã ra đời được gần 10 năm nhưng chỉ chính thức phổ biến khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Một số chuyên gia an ninh mạng cho hay, nền tảng này rất dễ bị hacker tấn công và đánh cắp thông tin, thậm chí còn chiếm quyền điều khiển hệ thống.
Tại Việt Nam, trước những thông tin về tính bảo mật của phần mềm này, cả giáo viên và học sinh đều có chung nỗi lo về việc lớp học trực tuyến của mình có thể bị tấn công bất cứ lúc nào.
Khuyến khích sử dụng phần mềm có bản quyền
Để đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh khi thực hiện dạy học trực tuyến, ngày 13.4, Bộ GDĐT đã có những quy định “siết” lại hoạt động này. Theo Bộ GDĐT, quá trình tổ chức dạy học qua Internet có xảy ra hiện tượng bị kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học/phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, độc, phản cảm, phản giáo dục... có dấu hiệu lạm dụng, quấy rối và bắt nạt trẻ em, học sinh, sinh viên trên mạng, không đảm bảo an toàn và đã gây tâm lý hoang mang cho người học, người dạy; ảnh hưởng đến chất lượng dạy học qua Internet.
Bộ GDĐT đề nghị các Sở GDĐT, các trường tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet, mạng xã hội đảm bảo an toàn, an ninh mạng khi tham gia hoạt động dạy - học qua Internet. Đồng thời, giới thiệu, phổ biến cho giáo viên những giải pháp, phần mềm quản lý, tổ chức dạy học qua Internet tin cậy, có uy tín; khuyến khích các trường sử dụng phần mềm có bản quyền, những phần mềm do Bộ GDĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu sử dụng miễn phí trong mùa dịch COVID-19.
Trước tình trạng học sinh làm lộ ID, mật khẩu của lớp học để người lạ “phá” lớp bằng clip phản cảm, Bộ GDĐT yêu cầu trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu xảy ra các tình huống tiêu cực, giáo viên, học sinh, phụ huynh cần cung cấp thông tin kịp thời tới lãnh đạo nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT), thời gian qua, các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước đã ký cam kết hỗ trợ ngành giáo dục và đào tạo một số nội dung nhằm phòng, chống dịch COVID-19.
Ví dụ như Viettel, VNPT hỗ trợ miễn phí hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục đại học (máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền bảo đảm dạy học trực tuyến); cung cấp miễn phí giải pháp đào tạo trực tuyến cho toàn bộ các trường đại học, phổ thông trên toàn quốc. Các trường học có thể liên hệ với các doanh nghiệp để được cung cấp và hướng dẫn sử dụng các phần mềm có bản quyền.
TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học FPT thì cho rằng, hiện hệ thống trong Đại học FPT thường xuyên dùng công cụ của Microsoft và Google là chính. Việc Zoom gặp phải những vấn đề về lỗi bảo mật, tính chất riêng tư khiến cho nhiều cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị có thể “ngại” sử dụng.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, trong học tập, sẽ không có nội dung nào là bí mật, riêng tư quá mức vì thế giáo viên vẫn có thể sử dụng với yêu cầu quản trị tốt. Khi không quản trị được để người lạ vào đưa thông tin lung tung là do cách thức sử dụng, vận hành của giáo viên. Phần mềm nào cũng sẽ có phần quản lý người học, việc đưa thông tin… nên giáo viên chỉ cần tìm hiểu kỹ cách sử dụng và quản trị thì có thể sử dụng được. Nếu giáo viên chưa có chuyên môn thì cần người có hiểu biết, hướng dẫn hoặc giúp đỡ phần quản trị lớp học.
Tác giả bài viết: Admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Có thể nói rằng đây cũng là kiệt tác của lãnh đạo phòng Giáo dục đào tạo huyện Thạch Hà bấy giờ. Sau nhiều năm liền nghiên cứu và thí điểm; nhờ sự quan tâm sâu, sát, của lãnh đạo phòng đặc biệt là thầy: Lê Thuần Tứ cùng với sự lăn lộn trực tiếp của thầy và trò mà điển hình là thầy Lê Đức Hân và...