Tham gia buổi tuyên truyền có Đồng chí Võ Quốc Hùng và đồng chí Nguyễn Duy Anh - Đội CSGT Công an Thị trấn Thạch Hà; Về phía nhà trường có Ban Giám Hiệu nhà trường; tập thể giáo viên và học sinh toàn trường.
Đồng chí Võ Quốc Hùng và Nguyễn Duy Anh - Đội CSGT Công an Thị trấn Thạch Hà
Tại buổi tuyên truyền, các em học sinh đã được nghe đồng chí Nguyễn Duy Anh phổ biến các quy định về An toàn giao thông. Qua buổi tuyên truyền này, các em hiểu rõ hơn về quy định khi tham gia giao thông, các hình thức xử phạt nếu vi phạm. Bên cạnh đó, còn giúp các em trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động mọi người thực hiện tốt ATGT.
Đồng chí Nguyễn Duy Anh hướng dẫn, tuyên truyền trước toàn thể học sinh nhà trường
Để thực hiện tốt ATGT trong và ngoài trường học, các Chi đội đã thực hiện kí cam kết đảm bảo ATGT năm 2022.
Nghiêm túc thực hiện các quy định về ATGT là góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, vì bình yên, hạnh phúc của mọi người!
Một số hình ảnh trong buổi tuyên truyền:
MỘT SỐ NỘI DUNG CHÍNH TRONG BUỔI TUYÊN TRUYỀN
Theo thống kê của WHO – Tổ chức y tế thế giới, hằng năm trên thế giới xảy ra khoảng 200.000 vụ TNGT, số người chết hơn 1,24 triệu, người bị thương hơn 50 triệu
Theo Ủy ban ATGTQG, năm 2021 ở Việt Nam xảy ra hơn 11.400 vụ TNGT, làm chết hơn 5.700 người, làm bị thương hơn 8000 người.
1 ngày có gần 20 người tham gia giao thông không trở về nhà.
Trên địa bàn huyện Thạch Hà năm 2021 vừa qua cũng đã xảy ra 14 vụ TNGT làm 10 người chết 11 người bị thương và số liệu 8 tháng vừa qua của năm 2022 trên địa bàn huyện xảy ra 7 vụ TNGT, làm 6 người chết, 4 người bị thương. Đặc biệt có nhiều vụ liên quan đến các em học sinh trên địa bàn, từ đó chúng ta thấy hậu quả mà TNGT để lại vô cùng nặng nề, ảnh hưởng không chỉ bản thân người bị nạn, người tham gia giao thông khác mà còn cả những người thân xung quanh họ về cả vật chất lẫn tinh thần, kéo theo gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội, và đối với các em học sinh tuổi đời còn đang trẻ thì tai nạn giao thông còn cướp đi cả tương lai tươi sáng phía trước.
I. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như:
1. Cơ chế quản lý Nhà nước chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ
2. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, lạc hậu.
3. Sự phát triển của nhanh chóng của dân số và phương tiện.
4. Nguyên nhân sâu xa và chủ yếu của tai nạn giao thông là Ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao (theo thống kê thì có đến 90% các vụ tai nạn giao thông xảy ra là do việc không chấp hành đúng các quy tắc khi tham gia giao thông).
Hiện nay, tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông rất phổ biến, nhiều nhất là các hành vi vi phạm, như:
- Không chấp hành các quy định của tín hiệu đèn giao thông:
Học sinh chạy xe vượt đèn đỏ không phải là hình ảnh hiếm gặp. Không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng mà còn thể hiện thiếu văn hóa khi tham gia giao thông.
- Phóng nhanh vượt ẩu và không đội mũ bảo hiểm
Tình trạng này rất phổ biến, nhất là các em học sinh nam, thường thích chứng tỏ tay lái của mình giỏi mà bất chấp nguy hiểm đến tính mạng bản thân và những người tham gia giao thông khác.
- Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi theo quy định
- Chạy xe dàn hàng ngang:
Tình trạng các em học sinh, nhất là học sinh THCS, THPT, trên đường đến trường thường chạy xe dàn hàng 3, hàng 4 rất phổ biến ở nông thôn lẫn thành thị. Không chỉ dàn hàng, các em còn vô tư nói chuyện, đùa giỡn trong lúc điều khiển xe, gây mất trật tự ATGT và ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện tham gia giao thông khác.
- Chở quá số người quy định
- Tụ tập dưới lòng, lề đường trước cổng trường sau giờ tan học
Sau khi tan trường, thường các em không về ngay mà thường tụ tập thành nhóm dưới lòng lề đường trước cổng trường để đùa giỡn, nói chuyện hoặc mua quà bánh ở các xe đẩy trước cổng trường gây mất trật tự ATGT tại đây.
- Phụ huynh vi phạm khi đưa đón học sinh
II. Thứ tự nhường đường cho xe ưu tiên được quy định như sau
1. Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ
2. Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có cảnh sát dẫn đường
3. Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu
4. Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật
5. Đoàn xe tang
III. Trách nhiệm của học sinh đối với việc đảm bảo TTATGT
1. Chấp hành đúng hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông và hệ thống báo hiệu đường bộ khác khi tham gia giao thông
2. Điều khiển các loại phương tiện đúng với độ tuổi theo quy định
3. Luôn chú ý quan sát khi tham gia giao thông, đặc biệt là khi chuyển hướng, vượt xe, khi đi qua đường bộ giao nhau, nơi có địa hình phức tạp, hạn chế tầm nhìn
4. Phải đội mũ bảo hiểm khi điều khiển và ngồi trên xe mô tô, gắn máy, máy điện, đạp điện và chọn đúng loại mũ theo quy định của pháp luật
5. Luôn đảm bảo quy tắc tham gia giao thông khác như đi đúng tốc độ, nhường đường cho người đi bộ và các phương tiện khác
6. Xây dựng văn hóa tham gia giao thông văn minh, không cười đùa, gây mất trật tự khi điều khiển xe
7. Tham gia giúp đỡ người bị nạn trong vụ tai nạn giao thông
8. Nêu cao ý thức tuyên truyền vận động người thân và bạn bè cùng chấp hành nghiêm túc pháp luật về ATGT.
IV. Trách nhiệm của nhà trường và gia đình
1. Nhà trường thường xuyên nhắc nhở, quán triệt các nội dung về pháp luật ATGT, hướng dẫn học sinh tham gia giao thông an toàn.
2. Duy trì cổng trường văn minh, trật tự, nề nếp, tránh xảy ra ùn tắc giao thông phía trước cổng trường.
3. Bố mẹ phải là tấm gương để các con noi theo.