Nơi ở xưa của các hoàng tử, công chúa nhà Nguyễn

Thứ sáu - 18/09/2020 09:16

Nơi ở xưa của các hoàng tử, công chúa nhà Nguyễn

Về lại Huế nay và đi tìm một thế giới trầm lắng, bí ẩn, khuất sau những cánh cửa gỗ trăm năm tuổi. Dẫu sao thì đi ra ngoại vi Huế vẫn còn thấy lại được cái “chất” Huế xưa. Tôi ghé thăm đình Kim Long, xưa nhộn nhịp với một khu chợ trước sân đình, đầy sống động, nay im lìm xa vắng.

Nhà vườn Ngọc Sơn công chúa (con vua Đồng Khánh) ở Huế. Ảnh: Huefestival.Vẫn còn đó những con lân, con rồng, con ngựa bay, và vô vàn chi tiết mosaic gốm sứ rất tinh xảo mà sao thấy ngậm ngùi?

Có một thế giới rực rỡ sắc màu, có những năm tháng rộn rã, những năm tháng bình yên, trầm lắng thấm đẫm chất văn hóa đặc trưng xứ Huế đã ở đây, đã đi qua và còn vấn vương trong những chi tiết trang trí kia.

Ở Kim Long, du khách còn có thể thăm phủ đệ của các hoàng thân, công chúa triều Nguyễn và các phủ từ của họ ngoại vua Tự Đức như Đức Quốc Công từ, Diên Phước công chúa từ, Vĩnh Quốc Công từ, Khoái Châu quận và nhà vườn An Hiên.

Phủ là nơi ăn ở của hoàng tử và đệ là nơi ăn ở của công chúa sau khi họ được dựng vợ gả chồng. Phủ đệ nào cũng được xây dựng theo nguyên tắc kiến trúc truyền thống, giống như bao khu nhà vườn đặc trưng của Huế.

Xưa kia Huế có khoảng 150 phủ đệ. Nhà Nguyễn tan, phủ đệ cũng theo đó mà suy tàn.

Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Huế còn lưu giữ khoảng 85 phủ đệ, tập trung ở các khu vực như phía Đông Bắc Thành Nội, An Cựu, Kim Long, Vỹ Dạ và Gia Hội. Còn bây giờ, khuôn viên phủ đệ ngày càng nhỏ hẹp dần do quá trình đô thị hóa.

Nhà vườn Ngọc Sơn công chúa (con vua Đồng Khánh) ở Huế. Ảnh: Huefestival.

Không có nhiều cây cầu có mái che ở Việt Nam, lại càng không có nhiều cây cầu cổ có mái che. Cùng với cây cầu ở Hội An, cầu ngói Thanh Toàn ở vùng ngoại ô Huế là một cây cầu cổ như thế.

Được bà Trần Thị Đạo, vợ một quan đầu triều thủ phủ xứ Thuận Hóa xây dựng vào năm 1776, cầu có kiến trúc gỗ, mái lợp ngói, gồm bảy gian, bắc ngang con sông Như Ý, nằm ở làng Vân Khê, xã Thủy Thanh, giữa mênh mông lúa.

Kiến trúc đơn giản, nhưng rất đặc trưng Huế với những chi tiết mosaic gốm sứ trên mái, đà gỗ chạm khắc đơn sơ nhưng không kém phần bay bổng. Và kề bên cầu vẫn còn đó một ngôi làng Huế nguyên sơ, dẫu cho những mái ngói, cột gỗ xưa nay đã thành bê tông.

Nhưng cái không khí trầm lắng và yên bình với những bến nước, khu chợ, những người phụ nữ giặt đồ bên sông, những con thuyền và những hàng rào cây vẫn còn đó. Một nếp sống rất Huế, không thể lẫn.

Đã thành thông lệ, năm nào nơi đây cũng diễn ra lễ hội dân gian vào mỗi dịp Festival Huế. Bên cây cầu này, sẽ là một sân chơi sôi động của những trò chơi dân gian. Một chút sắc màu cho cuộc sống thôn quê. Một chút gợi nhớ những tháng năm đã qua. Để rồi trả lại cho chiếc cầu ngói sự im lìm và tĩnh mịch đã làm nên hồn cốt của một vùng, quê hương xứ Huế.

Về lại Huế nay và đi tìm một thế giới trầm lắng, bí ẩn, khuất sau những cánh cửa gỗ trăm năm tuổi. Một thế giới của những ngôi làng xưa, những địa danh đã đi vào lịch sử, đi vào lòng mỗi người Việt Nam: Vỹ Dạ, Kim Long, Cồn Hến...

Xa xa, vẫn dòng Hương giang mang theo mùi hoa mùi cỏ, và núi Ngự Bình sừng sững che chở cho Huế.

Huế xưa và nay vẫn nổi tiếng về những món ăn ngon, đẹp mà tinh tế. Ẩm thực Huế giờ đây không chỉ có ở Huế mà đã ở khắp nơi trên đất nước, nhưng có những món chỉ Huế mới có và mới ngon, ví dụ như bánh canh Nam Phổ và chè hẻm.

Thứ bánh canh mang tên vùng đất ấy có sự dân giã trong thành phần với bột gạo, tôm và chả cua, lại rất tỉ mỉ trong chế biến. Bột gạo phải được chưng cách thủy trên lửa nhỏ tới khi sánh lại, sau đó cho vào từng túi nylon cắt đầu nhọn để tạo hình cho sợi bánh và được luộc chín.

Sợi bánh canh của Huế không đâu giống được, trắng muốt một màu, đục mà vẫn trong, bồng bềnh trong nước dùng màu điều đỏ sanh sánh, đậm đà. Bánh canh Nam Phổ còn ngon ở chỗ, nước dùng là nước luộc tôm cua, chứ không phải nước xương heo như bánh canh các vùng khác.

Bánh canh Nam Phổ có mặt khắp nơi ở Huế, nhưng ngon nhất vẫn là những gánh bánh của các “mệ” trên đường phố và trong các chợ, nổi tiếng nhất có lẽ là bánh canh Mệ Sau ở chợ Dinh (phường Phú Hậu).

Chè hẻm 29 Hùng Vương cũng là một đặc sản chỉ có tại Huế với rất nhiều loại chè ngon: Chè xoa xoa, chè sen, chè bắp, chè bột lọc dừa… trong đó chè bột lọc heo quay là món không thể tìm thấy ở nơi nào khác. Món chè này cho ta một cảm giác rất lạ, vừa ngọt, lại có vị mặn, béo và giòn, miếng heo quay ba chỉ bọc trong lớp bột trong suốt, ửng hồng bơi trong nước chè thanh thanh ngọt ngọt.

Từ biệt Huế và mong một ngày được về Huế để thấy dòng Hương giang vẫn miên man hương hoa cỏ và núi Ngự bình vẫn nghìn đời sừng sững chở che cho cố đô xưa.

Tác giả bài viết: Admin

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

PCGD
BO GDDT
SMAS
Violet
Bo GDDT
Trường học kết nối
ViettelStudy
Youtube

Giới thiệu về Trường THCS Phan Huy Chú, Thạch Hà, Hà Tĩnh

Có thể nói rằng đây cũng là kiệt tác của lãnh đạo phòng Giáo dục đào tạo huyện Thạch Hà bấy giờ. Sau nhiều năm liền nghiên cứu và thí điểm; nhờ sự quan tâm sâu, sát, của lãnh đạo phòng đặc biệt là thầy: Lê Thuần Tứ cùng với sự lăn lộn trực tiếp của thầy và trò mà điển hình là thầy Lê Đức Hân và...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây