Do tính chất không trực diện của đề tài, Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu đã làm một bổ sung, một khám phá về một phương diện khác, ở đó không phải không có tiếng ầm ầm "rung cả đường sá, núi non" của xe xích kéo pháo, âm thanh "ập đến như tiếng sét" của máy bay địch đánh tọa độ, những chiếc cầu bằng đá "xanh biếc và đẹp như một giấc mộng" chỉ một nháy mắt đã "bị cắt làm đôi như một nhát rìu phang rất ngọt"... Ở đó còn có cái yên tĩnh, độ lắng sâu, những nỗi niềm lẩn khuất, hi vọng được nhóm lên bền bỉ, dẻo dai gần như tương ứng với sự khốc liệt, xô bồ, ngổn ngang của cuộc chiến hiện ra trước mắt. Chỉ có điều tất cả những cung bậc đa diện của đời sống nội tâm ấy không tách rời, ngược lại in rất đậm dấu vết của chiến tranh. Cuộc gặp gỡ, sự chờ đợi của một tình yêu chẳng hạn, trắc trở, mong manh, mơ hồ nhưng hình như là có thật, có thật mà cứ tưởng như một giấc chiêm bao. Mảnh trăng cuối rừng là hình ảnh khúc xạ từ những giấc chiêm bao ấy.
Nhân vật chính của câu chuyện là những nhân vật đời thường, thậm chí rất quen thuộc của chiến tranh: anh bộ đội lái xe và những cô công nhân làm đường vùng tuyến lửa. Chiến tranh là cái gạch nối cho họ gặp nhau, những cuộc gặp gỡ để nhớ để quên, không có gì đặc biệt. Chính vì vậy, mặc dù xe mới đang lăn bánh, nhìn về nơi mà mình sẽ đi đến. Lãm đã hình dung ngay được cuộc gặp gỡ "giữa đám các cô gái nghịch như quỷ sứ" ấy nó thế nào. Gặp anh, Nguyệt sẽ nói rất ít, còn "các cô bạn thì sẽ làm loạn lên".
Song, chẳng hề gì bởi "họ đều là những người bạn của anh em lái xe, đều là những người con dũng cảm, chân thực và mến khách". Vậy cái hấp dẫn người đọc là gì, nếu không phải là tình huống khá đặc biệt: Cuộc "trốn tìm" chưa một lần tới đích của một tình yêu, một tình yêu cũng lại khác thường. Nó chỉ có thể xảy ra trong những cuộc chiến tranh. Yêu nhau mà chưa một lần gặp mặt, cũng không một sự hẹn hò, thế mà vẫn chung thủy, chờ đợi nhau giữa muôn trùng cách trở. Tình huống đặc biệt ấy tạo được một không khí, một dư vị rất giàu chất thơ. Chính cái bóng này, chứ không phải cái hình (cốt truyện) khoác lên được chiếc áo nhiều màu cho các sự kiện đầy chất ngẫu nhiên, đem đến cho người đọc những liên tưởng nhiều chiều, bất tận.
Câu chuyện được chính người "trong cuộc" kể lại trong một chiếc lán giữa rừng. Nó bập bùng nhóm lên như ngọn đèn dầu tâm tình, tâm sự. Nói với đồng đội trong trung đội lái xe mà cũng là nói với chính mình, nó như một độc thoại nội tâm. Cái riêng đã hòa nhập vào cái chung, do vậy có sự lan tỏa, đồng vọng ngân nga. Hiện tượng này là phổ biến trong chiến tranh: Những người sát cánh, sẻ chia cái sống, cái chết từng giờ. Không có gì là sở hữu riêng. Ngay đến một bức thư, giữa chốn rừng núi heo hút ấy, nó cũng "xem như của chung của mọi người", nỗi buồn, niềm vui của bất kỳ ai cũng thuộc về tất cả. Vì vậy giữa người kể chuyện và người nghe chuyện, giữa kênh phát với kênh thu có cùng một tần số. Cái ăng ten giao cảm này tạo nên sự gắn bó giữa những con người và đẩy cho câu chuyện cứ thế lăn đi trên cái mạch khi liên tục, lúc ngắt ngừng của nó...
Hoàn toàn không phải là phung phí, dài lời khi tình huống vào truyện là hai nỗi bực nối tiếp nhau cua người lái xe có tên là Lãm ấy. Còn gì "sốt ruột" hơn khi người chờ xe là người lái, nhất là người lái đầy tinh thần trách nhiệm, lại trong một hoàn cảnh khác thường: "Giữa thời chiến, xe mình chỉ cần vượt lên thiên hạ nửa vành bánh, khi qua phà qua ngầm đã đủ nhàn". Nhưng cái mà anh chờ là tiếng máy chiếc Gát quen thuộc của mình mãi chưa thấy dù đã "hết sức lắng tai nghe", trong lúc những chiếc xe không đợi không chờ "cứ lao vun vút trước mặt như ngựa đua". Đó là chưa nói chuyến xe này đã được hoạch định trong độ sít sao của nó. Chậm một phút là kế hoạch có thể đổ vỡ hoàn toàn không gì bù đắp nổi. Với dự định chạy sớm, giao hàng sớm kịp quay về giấu xe ở rừng săng lẻ, một địa điểm an toàn, Lãm sẽ ghé thăm người chị ruột ở khu vực gần cầu Đá Xanh. Cuộc thăm viếng không chỉ là đáp ứng yêu cầu một phía với lời phàn nàn vừa trách móc vừa thiết tha: "Đã hơn ba năm chưa được gặp cậu Lãm đấy!".
Còn cái riêng của Lãm là gì, anh chưa nói, dù nó quan trọng không kém. "Nhưng dầu sao nó cũng chỉ là một việc riêng". Gài vào câu chuyện một cách kín đáo những nỗi niềm như thế, đó là "cái duyên" của người kể. Bởi nó tạo nên một tầng nghĩa thứ hai, một mạch ngầm, phía dưới những con sóng đều đều mặt nổi bên trên của những sự kiện. Đây là cái nút, một thứ nút bấm không phải lúc nào cũng có thể mở ra, vì nếu sớm mở ra, truyện không còn là truyện nữa. Vừa hết cái bực dọc thứ nhất khi "đồng chí lái phụ đánh xe lên, từ dưới chân dốc, đã bóp còi inh ỏi như xe chữa cháy" cùng với lô hàng đã nhận và phiếu giao hàng có kí nhận hẳn hoi, lại nảy sinh một tình huống ngoài dự kiến. Anh chàng lái phụ vui tính không phải vô cớ mà lúc mới giao xe đã nháy mắt ranh mãnh và phát mạnh vào vai Lãm "một cái đau điếng. Cái gì vậy?". "Còn một cái nữa, cái này có nhưng mà không ghi trong phiếu". Xe chở hàng quân sự mà cho người đi nhờ là trái điều lệnh, "dù bất cứ trong hoàn cảnh nào". Cho nên người lái phụ trình bày dù có "hợp lý" đến đâu, Lãm vẫn giận cái hành vì "tự động vô nguyên tắc" ấy. Là một lái xe, anh lạ gì những cuộc gặp gỡ.
Một "cảnh tượng quen mắt" hiện ra giữa một bên là "cái ve nũng nịu của một cô nàng ôm chiếc nón trắng đứng sát cửa xe", còn một bên là "những câu hỏi ỡm ờ" của anh tài phụ "của tôi đang ngồi vắt vẻo trong buồng lái". Lãm chán nản, xót xa: "Thế là đủ tai họa cho tôi rồi! Tàn cho được câu chuyện ấy thỉ xe lèn sớm làm sao được?". Với một "việc đã rồi" như thế, mà chấp nhận thì ấm ức vì anh là một kẻ đồng tình với việc làm trái nguyên tắc nói trên. "Giận cá" thì chỉ còn biết "chém thớt". Sự "chẳng lấy gì làm ôn tồn" của Lãm khi lên tiếng hỏi, câu hỏi đầu tiên là "Ai ngồi trong đó", là lẽ thường tình. Và cũng là thường tình khi người đi nhờ xe im lặng (chắc người ấy đang phấp phỏng sợ tôi không cho đi nhờ - Lãm nghĩ). Nhưng bất ngờ đầu tiên, sau cái im lặng kia, với Lãm là câu trả lời của người đi nhờ xe: không sợ sệt như Lãm đoán. Trong cái câu nói: "Tôi đây... Tôi nhờ đồng chí lên cầu Đá Xanh một tẹo", anh "đoán chẳng sai" có một nửa. Cái nửa ấy là giọng nói của phụ nữ. Nửa còn lại kia, mặc dù là vẫn của cô gái đi nhờ xe đang phải nhờ vả vào anh, nhưng "tiếng nói trong lắm và rất bình tĩnh, cứng cỏi nữa là khác". Cái sự "cứng cỏi" trong đối đáp sau đó đã thay đổi hẳn mối tương quan.
Người chủ động hỏi, hỏi trong tình thế chủ động đã chỉ còn ở vào một tình thế bị động "vội nổ máy" cho xe đi vì trong bụng đang "phát hoảng lên vì cái cách con gái ăn nói đối đáp bạo dạn dường ấy". Mà không "phát hoảng" làm sao khi biết rõ người ấy là đàn bà, nhưng khi gặng hỏi thì câu trả lời ngay tức khắc: "Đàn ông". Đặc trưng của phụ nữ là sự kín đáo chẳng hạn, thế mà khi được một chàng trai tò mò hỏi là đi thăm chồng hay người yêu, lại không hề do dự một giây: "Em đi thăm người yêu đấy". Có thể nói, trước Lãm lúc này là một chân dung chưa toàn diện (vì anh còn chưa biết mặt cô gái kia mà) nhưng đã sắc sảo hiện ra một "cái tôi" không dễ coi thường. Đó là một nhân cách. Cũng vẫn là nhân cách ấy, nhưng một phía khác, phía hoàn chỉnh hơn, Lãm sẽ nhận ra khi anh đã "thân mật" với cô gái hơn một chút với câu hỏi dịu dàng: "Cô làm ở ngầm Đá Xanh hay chỉ về đây thăm ai?". Cùng một lượng thông tin ngang nhau nhưng do mức độ cảm thông và hiểu biết được tăng cường, đã vừa đủ để xuất hiện trên khuôn mặt sáng sủa của cô gái "một nét e thẹn", không còn đáng sợ mà là đáng yêu. Như thế là một hoạt cảnh đơn sơ mà sinh động, rất "thời chiến" đã diễn ra và đột ngột dừng lại ở cái chi tiết có phần bột phát, quá đà để định hình một chân dung chưa hoàn thiện, chưa hoàn thiện nhưng đã lung linh.
Câu trả lời của cô ta, với Lãm vẫn còn là lơ lửng, cái câu "Em đi thăm người yêu đấy". Thật hay đùa? "Biết đâu đấy, biết dâu cô ta nói thật?". Sự dừng lại ấy giống như việc hãm phanh nhưng không phải để vượt mọi chướng ngại nào mà chiếc xe quân sự của anh cần phải vượt qua, nó chỉ nhằm tiếp thêm nhiên liệu cho cuộc hành trình, ơ đây, về hình thức, nó như rẽ sang một mạch khác, nhưng thực chất là điều chỉnh lại những đường dây liên hệ tưởng là rời rạc mà kỳ thực lại gắn bó hữu cơ. Để từ đó, mọi chi tiết - từ ngôn ngữ đến cử chỉ của nhân vật trong tầm quan sát của người đi xe không còn đơn nghĩa. Chẳng hạn, sau này, trước câu hỏi làm như thuận miệng vô tình của Lãm: "A quên, tôi chưa kịp hỏi tên cô đấy nhé" và câu trả lời rụt rè của người đi nhờ xe: "Em là... Nguyệt!", người kể chuyện và người nghe chuyện tự chắp nối những liên tưởng, những giả định của mình. Vì cả hai đối tượng (người kể và người nghe) đã có được một thông báo tiên đề: một cô Nguyệt trong bức thư của chị Tính.
Cô Nguyệt trong thư dịu dàng và xinh đẹp như được tỏa ra từ vằng vặc, rạng ngời một sắc trăng đêm, còn cô Nguyệt trong đời thực lúc này, trước mắt Lãm, dù được nhìn qua "ánh đèn tù mù" khi thì của bóng đèn gầm hắt xuống, khi thì của đoàn xe xích "lao đi ầm ầm bên cạnh", vẫn là một cái gì khó trộn lẫn. Đó là "một vẻ đẹp giản dị và mát mẻ như sương núi tỏa ra từ nét mặt, lời nói và tấm thân mảnh dẻ". Không hiểu vì sao, cô Nguyệt lúc này, vẫn là dáng điệu ấy, chiếc áo màu xanh và chiếc nón khoác tay như mọi cô gái đi nhờ xe khác mà Lãm nhắm mắt lại cũng hiện ra rõ mồn một, lại không giống bất cứ một ai. Ngoài thân hình mảnh dẻ "khác hẳn với nhiều cô gái công trường thường cô nào cũng thấp và đẫy đà", Nguyệt còn có những nét riêng, và nét nào cũng duyên dáng dù kín đáo chứ không lòe loẹt phô trương. Cũng là cái áo chít hông nhưng "vừa khít", còn cái làn, cái nón cũng khoác ở cánh tay nhưng không gượng gạo mà "nhẹ nhàng" thanh thoát tự nhiên.
Như vậy, sự trùng hợp đến là vô lý đã xảy ra. Cuộc đời sao lại trớ trêu làm vậy! Cô gái đang đợi chờ anh là Nguyệt. Vậy cô Nguyệt ngồi đây có phải là nỗi chờ đợi đó không? Với băn khoăn không dê giải đáp mặc dù trong thâm tâm Lãm "phải tìm cho đến ngọn nguồn lạch sông", cô gái đi nhờ xe mang vẻ đẹp lấp lánh hai chiều (thực và mộng) để làm cho người chiến sĩ lái xe không thể nào còn dửng dưng được nữa.
Phản ứng của Lãm mặc dù có vẻ hờ hững "như không", nhưng sự mời mọc "vồn vã" thì đã ân cần không chỉ ở giọng nói. Cùng với cánh tay mở rộng cửa buồng lái, còn là cái nhìn không thể nói là vô tâm khi anh "vội đưa mắt ngắm cô gái một lần nữa thật kỹ lưỡng". Rồi khi cô gái tên là Nguyệt ấy đã ngồi vào cái chỗ đặc biệt mà cả một đời lái xe của Lãm, chưa bao giờ anh "mời một cô gái ngồi trong buồng lái" bao giờ, những câu hỏi của anh đã không dừng được nữa. Cả một hệ thống câu hỏi về những cô Nguyệt ở đơn vị làm đường... đã làm cho chính người được hỏi phải ngạc nhiên: "Sao anh hỏi tỉ mỉ vậy?". Nói cho đúng thì đó là cuộc thăm dò. Mà điều ấy đâu chỉ có riêng anh?
Với tư cách là người quan sát, Lãm không đọc được tâm trạng của Nguyệt, nhưng chắc chắn về phía người đọc chúng ta, Nguyệt không thể không có thoáng chốc phân vân. Vì người cô yêu cũng là lính lái xe, cậu em trai mà chị Tính "nói thẳng ý định" của chị ấy nhiều lần, trong những lần ấy Nguyệt chỉ biết im lặng và "đỏ mặt bừng lên" cũng đi trên tuyến đường này, và hôm nay mình vừa ra đi từ cái nơi hẹn gặp người ấy... Chỉ có điều khác là dù có băn khoăn đến đâu, Nguyệt cũng không dễ dò hỏi như Lãm. Nếu có, nó cũng không thể vội vàng, chỉ như một cái gì ẩn hiện mà thôi. Cho nên ý mới ẩn sau lời, trốn chạy trong trọng âm, ngữ điệu: "Anh nhỉ? Có phải không nhỉ?". Rõ ràng là một câu hỏi, nhưng hỏi về cái gì thì Lãm lại không nghe được, người nghe không nghe được nhưng người hỏi lại tha thiết thế kia? Đến nỗi người lái xe phải hỏi lại người hỏi "Cô hỏi gì?". Câu trả lời của Nguyệt có lẽ qua được cái giây bối rối khi cất tiếng hỏi đầu tiên, chỉ còn êm đềm như một dòng suối chảy: "Em hỏi có phải các anh lái xe đi nhiều nơi, chắc hẳn quen biết nhiều người lắm?" Nguyệt và Lãm là hai nhân vật chơi trò ú tim đồng tâm trạng đang đi với nhau, vì chưa một lần gặp gỡ nên ngồi bên nhau rồi mà vẫn như hai người xa lạ.
Đó là sắc thái ngẫu nhiên của tình huống truyện. Nó đến với người đọc như một sự tình cờ nhưng thường thấy của chiến tranh. Trở lại vấn đề ở người kể chuyện, ở cách dẫn chuyện của nhà văn. Khi biết ở đơn vị thanh niên xung phong ấy có đến ba người cùng có tên là Nguyệt, không phải Lãm khôn ngoan, khéo léo làm phép loại suy, giảm thiểu. Nhưng khi đã "giảm thiểu" đến mức cuối cùng rồi, khi biết một trong ba người ấy đã có bốn con thường được gọi đùa là chị Nguyệt "lão" rồi, cái ẩn số "rối như ta vò" vẫn cứ trơ ra: "Một trong hai người ai là người tôi sắp tìm đến, ai? Người tôi sắp tìm đến là ai? Bởi vì trong khi khai thác "đối tượng", Lãm biết được rằng cô Nguyệt đã hi sinh "cách đây ba, bốn tháng" cũng là người con gái có những điểm lý lịch và phẩm chất giống cô Nguyệt ngồi cạnh mình đây: Chưa có chồng, mới có người yêu, mà cũng chỉ "hình như" thôi. Trong công việc thì dũng cảm, đối xử thì hiền lành, chết đi "ai cũng tiếc". Nhớ lại những dòng thư tâm tình của chị Tính nói về cô Nguyệt "của anh"-. Cô ta "rất ngoan ngoãn và tích cực... Trên đời khó tìm được một người con gái như thế..." Vì vậy khi biết một cô Nguyệt như thế đã hi sinh, Lãm đã bị "sốc" ngay. Mặc dù tự kiềm chế, nhưng cảm giác trong anh như bị một gáo nước lạnh dội vào.
Câu hỏi về cái chết ấy dù vội vàng nhưng "rõ ràng nghe tiếng nói của mình mà như của người khác". Sự thật không còn tự chủ được bản thân nặng nề hơn, Lãm phải bám vào một cái gì để khỏi chơi vơi, mất đà. Nhưng mặt đất vẫn cứ ngả nghiêng, chao đảo. Bình tĩnh hơn một chút khi biết chị Nguyệt "lão" đã có bốn con rồi thì câu nói đùa - chẳng còn sức để đùa - của anh trở nên "nhạt thếch" vì đó là âm sắc ngôn từ nhợt nhạt của một kẻ vô hồn. Mạch truyện đang đi vào những "của" những "ngầm" gấp khúc. Xử lý tình huống đầy phức tạp đó ra sao? Con người lý trí ở trong anh bật tín hiệu hiểm nguy khác thường: đèn đỏ. Phải dừng lại vì đây là cái ngưỡng cuối cùng không thể vượt qua, không thể "đi sâu vào câu chuyện riêng giữa chuyến công tác". Nhưng con người khác - từ trái tim anh lại đòi hỏi, thúc bách một sự trả lời: "Trong hai người con gái, một trẻ và xinh đẹp ngồi bên cạnh và một người đã chết anh dũng, ai là người đã từng mang canh cánh trong trái tim tuổi trẻ mối tình đầu đối với tôi suốt mấy năm, mà tôi lại tỏ ra hờ hững?". Nhất là có một giả định: Nếu cô Nguyệt đã hy sinh là Nguyệt ấy, Lãm "sẽ mang mối hận mãi mãi".
Sự dồn nén của tình huống và tâm trạng đến mức thẳng căng, ngột ngạt, cần phải "xả hơi" về mặt tâm lý cho người đọc, người nghe. Điều này hợp quy luật. Mạch truyện giãn ra, có phần thư thái hơn, dù đường sá lúc này lại còn gập ghềnh, "ngổn ngang hố bom", hơn trước. Nhưng vì sao một nhầm lẫn "không chết người" nhưng thật đáng tiếc với người "già đời trong nghề lái xe, bom đạn nguy hiểm gặp đã nhiều", lại không phải anh nhút nhát, vậy mà không hiểu sao đêm nay anh lại "nhìn trăng ra pháo sáng"? Có lẽ vầng trăng thì vẫn bình yên, cái bình yên muôn thuở, nhưng bầu trời của lòng anh, những đám mây u ám thì vẫn chưa tan, chưa có ngọn gió nào xua đi được. Nó vẫn là một ám ảnh nặng nề (nếu cô Nguyệt hi sinh là cô gái ấy). Trường liên tưởng này là liên tục, tự nó tỏa ra một góc nhìn không còn là vô tư, khách quan được nữa. Không phải Lãm chỉ tự trói mình bởi mặc cảm xót xa, anh cũng muốn giải thoát. Nhưng bằng cách nào đây, thì đó vẫn là một thách thức, một câu hỏi không có hồi âm. Là người đọc, người nghe có lẽ cũng đồng cảm với mối "tơ vò" của người kể.
Chỉ có một cách mà anh không thể làm là hỏi cô ta có biết chị Tính hay không, "mọi sự sẽ vỡ ngay. Sở dĩ Lãm "không muốn hoặc không dám hỏi" vì cái đẹp của con người ở đây cũng như cái đẹp của ánh trăng, nó gần gũi mà xa xôi biết mấy. Chỉ cần một đụng chạm nhỏ là tan. Vì thế mà bất kỳ ai rơi vào tình trạng của Lãm đều phải thận trọng nâng niu một cái gì dễ vỡ. Cái đẹp nói chung là như thế, nhiều khi nó chỉ tồn tại trong cảm giác của con người. Nói gì đến cái đẹp ở đây đứng trước hai khả năng nghiệt ngã: mất và còn. Lãm sẽ là người giàu có nhất đời còn ngược lại anh sẽ chỉ còn hai bàn tay trắng với sự nuối tiếc mà thôi. Chính là ở vào cái thế chênh vênh giữa hư và thực này, tâm hồn người lính lái xe đã trở nên tâm hồn thi sĩ. Cũng là một vầng trăng đầu tháng đó thôi, mà mỗi lần hiện ra một khác. Có lúc nó tội nghiệp, đáng thương, run rẩy hiện ra giữa sương lạnh và mây đen tái nhợt. Đó là một thứ ánh sáng lòe nhòe "mỗi lúc xe nảy lên hay vòng qua chỗ lượn, mảnh trăng lại chập chờn lay động, có lúc thấy rơi tõm xuống khoảng tối mịt mù của cánh rừng già".
Đến khoảng gần khuya, vẫn vầng trăng ấy nhưng có thương tổn, hao mòn chút ít vì mây gió, sương đêm nhưng lại trong trẻo rạng ngời. Đó là "mảnh trăng khuyết đứng yên ở cuối trời, sáng trong như một mảnh bạc". Giữa hai cái vùng tối sáng ấy, người lính lái xe vốn chỉ quen chú ý đến đường, đã thêm một cảm giác bồng bềnh của người "đi giữa đêm trăng mà không biết". Âm thanh mà anh lắng nghe không chỉ là cái âm điệu thường ngày, cái "ràn rạt" của gió thổi vào cành lá ngụy trang trên nóc xe mà cả một tiếng chim mơ hồ trong khoảng sâu thẳm của trời đêm. Sông, núi trong sương cũng vậy. Cái thì mờ đi như dòng sông bên trái đường phút chốc bị sương trắng phủ kín, cái thì rõ mồn một không chỉ hình hài mà dường như còn có linh hồn của nó nữa kia. Đó là ngọn núi đá bên kia sông "đen đủi và cô độc giữa một màn trắng xóa".
Chính là trong bối cảnh ấy, câu trả lời của Lãm với cô gái đi nhờ xe mới trở nên bóng bẩy không ngờ. "Đời lái xe chúng tôi như con vạc ấy, cô ạ! Nay rừng này, mai qua suối kia, nhưng tháng này sang tháng khác vẫn làm bạn với đường, với trăng thôi", ở đây, quy luật của cái đẹp đang vận hành. Nó có khả năng đánh thức mọi giác quan, nó khơi lên những gì mà cuộc đời thực hàng ngày không thể khơi. Đó là khả năng chắp cánh để mọi tâm hồn bay bổng. Sự chuyển hóa lạ lùng đến nỗi tự con người không còn nhận ra chính mình. Băn khoăn rất thành thực của Lãm là: "Chẳng biết lúc ấy, ai mới móc miệng cho mà tôi bỗng trở nên ăn nói văn vẻ đến thế" bắt nguồn từ cái phần ngủ yên, quên lãng ấy nay đang cựa quậy, xôn xao. Bản chất của lãng mạn là cái đẹp đến hai lần. Bởi cái đích của nó xa rộng và luôn hướng đến "cái thiện", "cái chân", còn bởi vì trong cái cảm quan mới mẻ ấy, cuộc sống chủ thể và khách thể tự nó thay đổi dáng hình trong mối giao cảm tri tâm đáng yêu, đáng mến. Bắt rễ vào cái thực, vào cuộc đời, cái lấp lánh của giấc mơ không còn chơi vơi, mặc dù điều này có khi dường như chỉ là vô thức.
Một linh cảm không lý giải đã ập đến lúc này với Lãm là "không hiểu sao, lúc ấy, như có một niềm tin vô cớ mà chắc chắn từ trong không gian ùa tới tràn ngập cả lòng tôi. Tôi tin chắc chắn người con gái đang ngồi cạnh mình là Nguyệt, chính người mà chị tôi thường nhắc đến". Niềm tin của Lãm được tắm gội bằng thứ ánh sáng thiên thần, cả con người ngồi cạnh anh cũng thế. Nguyệt vốn nghĩa là trăng, "từng sợi tóc" của người ấy cũng đang chốc chốc lại "sáng lên" mỗi lúc Lãm quay nhìn về phía ấy. Nếu đặc sắc của Mảnh trăng cuối rừng là cái đẹp kì ảo, thì đoạn văn đang được phân tích ở đây như một thứ tâm điểm của đường tròn tạo nên những lớp, những tầng thẳm sâu dát bạc cho từng chữ, từng dòng, vời vợi ánh trăng đêm.
Điều kì lạ nữa là mảnh trăng của thiên nhiên khi xe của họ đến cầu Đá Xanh đã lặn, còn "mảnh trăng" trong lòng, ít nhất là ở Lãm, thì vẫn vẹn nguyên, và dù là trăng non, trăng đầu tháng, nó vẫn lộng lẫy khác thường. Hành trang của anh tăng một trọng lượng vô hình bên cạnh gói xôi lạc và một bi đông nước đường mà người lái phụ đặt trên cabin từ trước. Nếu câu chuyện dừng lại ở đây thì khúc tình ca có thể đã có sức bay nhưng chưa đủ độ nặng, độ đằm. Cái đẹp ở cô gái mới dừng lại ở mức tả chân thực thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của đời, nhất là cái thời bom đạn.
Quan điểm duy mĩ và chủ nghĩa hiện thực khác nhau chỉ chừng đó mà thôi. Vàng và thau đều một sắc, dễ nhầm. Nhưng một khi qua lửa thì "thau" không thể là "vàng" được nữa. vẻ đẹp của Nguyệt phải là vàng chín, vàng mười trong ấn tượng thẩm mĩ của người đọc, người nghe, và với Lãm mới trở thành một cái gì như là lí tưởng. Cuộc gặp gỡ vô tình của người lính lái xe có thêm độ nồng hậu, tiếng đàn mới không tắt dù âm thanh của nó đã ngừng bay. Song, nói thì dễ rơi vào giả tạo. Để vượt qua cái mà không có tài năng không thể vượt qua, nhà văn đã bố trí một chi tiết bất ngờ, cả với Lãm, cả với chúng ta: Cô gái đã không xuống cái nơi lẽ ra cô phải xuống.
Mặc dù tới "giang sơn" của mình, quãng trạm gác bên ngầm ở ngã ba, Nguyệt còn muốn đưa tiếp người lái xe thêm một đoạn: Sang bên kia sông với một câu nửa thực nửa đùa (những câu Lãm cần, cô gái đều trả lời nước đôi đến là khó hiểu): "Anh đã cho em đi nhờ xe, lúc khó khăn lại bỏ anh ư". Giọng nói thì có gì ỡm ờ, bỡn cợt (đến nỗi Lãm phải điều chỉnh lại bằng một câu nói nghiêm trang), nhưng những cái cô làm sau đó thì đâu phải là tếu táo, đùa vui. Quyết định có tính chất ngẫu hứng của cô (đưa người lính qua sông) hoàn toàn không mang nghĩa nhất thời, cạn hẹp. Khi xe vào đoạn đường xấu, tiếng nói của cô xót xa như số phận con đường: "Chúng nó ném bom luôn, chúng em đã rải bao nhiêu đá mà đường sá còn ra thế!". Khi vượt ngầm, đoạn ngầm ngắn thôi nhưng bị ngập tới hơn một mét nước, xe không đi được nữa. Hình như có cả tiếng máy bay. Đèn tắt. Khi cả cái gian khổ, cái hiểm nghèo cùng ập tới, người lính lái xe từng trải, xông pha như Lãm không còn biết xoay xở ra sao.
Nếu không có Nguyệt không chỉ bám bên cánh cửa làm hoa tiêu, mà còn "để cả quần áo thể, nhanh nhẹn lội phăng sang bên kia bờ" giúp Lãm cột dây tời vào một gốc cây thì làm sao, dù có phép tiên, người lính có thể "đánh vật một lúc" rồi cuối cùng "cũng đưa chiếc xe lao lên được"? Nhưng căng thẳng nhất, đó là lúc xe vừa vượt qua ngầm Đá Xanh thì máy bay địch ập đến, Nguyệt rất thông minh khi không để Lãm "chạy nhào về phía xe" (vì lí do mà khi Lãm đã ở vào một vị trí an toàn, cô mới nói). Nhưng cùng với sự thông minh còn là một thái độ kiên quyết, cứng rắn đến lạ lùng.
Khi Lãm bị cô túm trở lại, anh thấy hành động ấy "nhanh và khỏe hết sức". Chưa hết, trước đó vất vả với chiếc xe vượt ngầm, cả Lãm, cả cô "thở không ra hơi" thì giờ đây, vẫn là cô Nguyệt đó với quần áo ướt sũng nước, lấm láp, nhưng "nghe hơi thở và tiếng nói của Nguyệt rất bình tĩnh: "Chúng đánh tọa độ đấy!". Rồi trong một tình huống bất ngờ ngay sau đó mấy giây: xe hàng bị lửa bén vào lốp. Lãm bắt buộc cô phải đổi chỗ (bế xốc Nguyệt đặt giữa hai cái khe của hai gốc cây) để tự mình chạy tới cứu xe giữa những luồng đạn "hai mươi li đỏ lừ" từ máy bay bắn xuống. Lãm vừa trèo lên xe thì Nguyệt cũng vừa kịp đến. Lần này cô không còn "mệnh lệnh" với anh một cách cứng rắn mà lại giục giã đến bồn chồn: "Cho xe chạy đi anh, nó còn tiếp tục đánh ngầm đấy!". Một cảnh tượng có một không hai xảy ra như một thách đố là: địch quây tròn trên đầu như xay lúa, rất thấp, thả pháo sáng và bắn hai mươi li, ta: một chiếc xe hàng không vũ khí cứ chạy với trái tim của hai con người dũng cảm giữa những ngoặt trái, hố bơm, những dốc có cua, không đèn đóm...
Vẫn biết cái "phi thường" nhiều khi là rất thật trong cuộc đời, nhất là trong những giờ phút hiểm nguy. Nhưng trong nghệ thuật, nó dễ sa chân vào tình trạng "lên gân" vì nó không gắn vào cái gốc rê bình thường. Nguyệt có thể trở thành một nàng tiên trong truyện cổ tích, nhưng như thế thì với Lãm chẳng hạn, điều ấy xa lạ biết bao vì đó là những gì mà con người thường không thể nào với được.
Cho nên chi tiết Nguyệt bị thương sau chiến công thầm lặng và quyết liệt dường này là rất đắt. Vì nó đúng, nó hợp lý (có thắng lợi nào mà chẳng có hy sinh), nhất là nó gần gũi với con người. Là một con người bằng xương bằng thịt mà làm nên kỳ tích trên đây mới có thể "dấy lên" trong lòng người lái xe không kém phần dũng cảm, anh hùng "một tình yêu Nguyệt gần như mê muội lẫn cảm phục". Trước lo lắng của người lính lái xe, cái bình thường ấy lại tự nâng cấp lên lần thứ hai bằng nụ cười tươi tỉnh và xinh đẹp dù khuôn mặt cô gái hơi tái đi vì mất máu: "Anh cứ yên tâm, vết thương chỉ sướt da thôi. Từ giờ đến sáng, em có thể đi lên đến tận trời được"...
Thông báo của chị Nguyệt "lão" đối với Lãm là rất quan trọng. Bởi vì đặt chân đến khu rừng săng lẻ rất đẹp (lán đội nữ công nhân) mà lòng anh chưa hết băn khoăn: "Hai ngày qua, tôi đã tin chắc chắn không thể nào sai được rằng người con gái mình đang tìm gặp thì đã gặp, nhưng đến đây, tôi lại nghĩ Nguyệt có thể là người con gái đã anh dũng hy sinh từ cách đây ba, bốn tháng". Với tâm trạng không yên ấy, câu trách yêu của chị Tính là một liều thuốc an thần: "Hôm kia, sao cậu không về? Nguyệt nó chỉ tranh thủ được có một hôm, đợi cậu suốt ngày không thấy, cô ấy lại phải về dưới ti rồi!". Như thế là Nguyệt "của anh" vẫn sống. Còn hơn thế:
Nguyệt mà chính anh đã từng gặp đẹp như một giấc mơ, hơn cả một giấc mơ. Giấc mơ ấy được xác nhận vô tình qua cách nói đùa vui của chị Nguyệt "lão": "Tôi hỏi thế này nhé, anh đã biết tội của anh chưa?". Như thế là một người mà anh mong gặp cho cả cuộc đời mình còn sống. Và tình yêu ấy ở Nguyệt đang sống, đang tha thiết hướng về anh: "Cớ sao mấy năm trời để cho cái Nguyệt nó đợi đỏ mắt. Có muốn "tìm hiểu" người ta hay không thì cũng phải bảo một câu chứ!". Chao ôi, với Lãm, những lời "chửi mắng" ấy sao mà đáng yêu chứ không khi nào đáng giận, bởi nó ngọt ngào và ngân nga như một giai điệu bất tuyệt của tâm hồn.
Từ biệt chị Tính và khu lán nữ công nhân rồi, lần đầu tiên Lãm thấy bâng khuâng, cái bâng khuâng để ngỡ ngàng vì chưa quen của con người khi đột ngột bước vào một vùng ánh sáng khác lạ, vùng sáng của tình yêu. Nhu cầu cần được yên tĩnh ở anh là nhu cầu của việc xác thực hóa giấc mơ vì giấc mơ quá lớn. Trong tâm thế rất con người này, anh nhận ra cuộc sống này chứa bao điều anh chưa hiểu nổi. Chiếc cầu với ba nhịp phía bên này đổ sập xuống, những phiến đá xanh lớn rơi ngổn ngang dưới lòng sông, chỉ còn hai hàng trụ đứng trơ vơ giữa trời kia là có thực.
Vậy có thực hay không cái nghịch lý: "Qua bấy nhiêu năm tháng sống giữa cảnh bom đạn và tàn phá những cái quý giá do chính bàn tay mình xây dựng nên, vậy mà Nguyệt vẫn không quên tôi sao?". Sự thật hiện ra dưới dạng khẳng định thì đó là sự thật bình thường. Còn sự thật lung linh dưới dạng tồn nghi, sự thật ấy là kì diệu. Sự thống nhất giữa cái bình thường và cái kì diệu phải chăng là một quy luật của muôn đời? Kể cả trong chiến tranh. Và nếu thế thì "cái mảnh trăng khuyết đứng yên ở cuối trời, sáng trong như một mảnh bạc" mà Lãm nhìn thấy một lần phải đâu là ảo ảnh? Câu chuyện kể của người lính lái xe dù đã khép lại rồi, nhưng ấn tượng của chúng ta, niềm tin của chúng ta đến lượt mình từ từ vỗ cánh trong một giấc mơ, không chỉ trong mơ.
Xung quanh giá trị của Mảnh trăng cuối rừng có một ý kiến rất đáng suy ngẫm. Đó là lời cảnh tỉnh của Nikulin trong Lời bạt truyện Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành. Ý kiến rất đáng quan tâm đó như sau: "Nhà văn thời ấy đã khá triệt để trong việc thi vị hóa nhân vật. Đây vừa là chỗ mạnh của anh 'ta, lại vừa là chỗ yếu: niềm tin vào tính bất khả chiến thắng của cái đẹp tinh thần, của cái thiện đã được khúc xạ ở chỗ anh đã "tắm rửa sạch sẽ" các nhân vật của mình, họ giống như được bao bọc trong một bầu không khí vô trùng".
Ý kiến đó là một nhắc nhở sáng suốt để ngăn chặn sự lỡ trớn của một chặng đường văn học, đặng ngừa phòng sự thiếu chân thật của một quan điểm thẩm mĩ, văn chương. Song, vấn đề là ở chỗ: trong cả một nền văn chương, làm sao có thể khiên cưỡng đến mức bình quân hóa mọi sáng tạo độc đáo của người cầm bút? Mức độ nặng nhẹ không đồng đều giữa cái hùng và cái hài, cái bi và cái lạc chẳng hạn là rất tự nhiên trong cảm hứng, trong ngẫu hứng của cái phút xuất thần khám phá. Văn chương là hình ảnh của cuộc đời nhưng khoảng cách ấy đâu phải là một cự ly không đổi?
Vậy thì nếu có một nhà văn nào đó, ở vào một phát hiện nào đó, ý tưởng sáng tạo lóe lên hướng vào cái cao cả khác thường thì có gì là lạ? Ở vào cái phút đặc biệt của sự thăng hoa, nếu "nhà văn dường như vượt lên khỏi cái hàng ngày và hướng về cái đẹp dường như được giải thoát khỏi gánh nặng của cái xấu, bay vượt lên khỏi cái thường nhật" (sách đã dẫn) thì có gì phải băn khoăn? Cái đẹp đích thực luôn ở vào một cái thế không dàn đều, hầu hết đều cực đoan, và điều này không có gì khó hiểu.
Trên ý nghĩa đó, Mảnh trăng cuối rừng không phải được viết bằng giọng điệu đại ngôn. Ngược lại nó rất chân thành đến trong suốt với cái ý nghĩ lặng thầm mà xốn xang trước cái đẹp không thể nào lường trước của cuộc đời, kể cả ở vào cái thời điểm khắc nghiệt nhất: chiến tranh.
Tác giả bài viết: Admin (Sưu tầm)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Có thể nói rằng đây cũng là kiệt tác của lãnh đạo phòng Giáo dục đào tạo huyện Thạch Hà bấy giờ. Sau nhiều năm liền nghiên cứu và thí điểm; nhờ sự quan tâm sâu, sát, của lãnh đạo phòng đặc biệt là thầy: Lê Thuần Tứ cùng với sự lăn lộn trực tiếp của thầy và trò mà điển hình là thầy Lê Đức Hân và...