Thầy giáo Nguyễn Châu Phi sinh năm 1978 tại xã Thạch Hạ (Thành phố Hà Tĩnh). Năm 2000, sau khi tốt nghiệp ngành Toán tin, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tĩnh, Thầy được phân công về công tác ở huyện Lộc Hà. Năm 2006, thực hiện chủ trương tách huyện, Thầy lại được điều chuyển về trường Trung học cơ sở Phan Huy Chú để phụ trách bồi dưỡng học sinh giỏi. Là ngôi trường có bề dày về thành tích dạy học thuộc tốp đầu của huyện, đây thực sự là môi trường thuận lợi để Thầy phát huy chuyên môn, sức trẻ đóng góp cho sự nghiệp "trồng người". Với vai trò là người phụ trách công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, ngoài phát hiện, định hướng, thầy Phi luôn tìm tòi, áp dụng phương pháp dạy học tích cực để khơi dậy niềm đam mê toán học, chú trọng trang bị cho các em phương pháp tự học, tự nghiên cứu để đạt kết quả cao. Nhiều người cho rằng, môn toán là môn học khô khan, khó để áp dụng trong ứng xử hàng ngày. Song, theo Thầy thì đây là môn học cơ bản giúp cho các em phát triển khả năng tư duy, ứng xử hết sức cần thiết. Việc lựa chọn lời giải, đáp án trong toán học cũng giống như lựa chọn xử lí những tình huống đặt ra trong cuộc sống thường ngày. Do đó, trong từng bài giảng, Thầy luôn lồng ghép những câu chuyện, tình huống thực tế để vừa đưa học sinh đến đáp án của bài toán, vừa rút ra được bài học ứng xử. Điều này không chỉ giúp việc dạy học đảm bảo được chức năng phát triển trí tuệ mà còn phát triển nhân cách - phương pháp, cách thức giảng dạy tưởng chừng chỉ có ở các môn xã hội. Nhờ đó, mỗi giờ giảng của thầy luôn trở nên lí thú, cuốn hút học sinh hơn.
Đối với người giáo viên, muốn được học trò tin tưởng, kính phục, ngoài vững vàng về chuyên môn, có phương pháp truyền đạt phù hợp thì còn đòi hỏi phải có nhân cách tốt. Người thầy không những truyền đạt tri thức chuyên sâu để phát triển tư duy mà còn phải có sự định hướng để các em hoàn thiện về nhân cách. Thầy Phi tâm niệm rằng, muốn giáo dục được các em, bản thân mình luôn phải gương mẫu. Do đó, từ lối sống đến cách ứng xử, Thầy luôn là người đúng mực, thẳng thắn, công bằng, phân minh rõ ràng "đúng - sai", "phải - trái". Thầy cô luôn phải đặt các em trong sự phát triển, sáng tạo chứ không nên và không được áp đặt. Sản phẩm của người giáo viên không thể làm lại như những ngành nghề khác, do đó, trong từng phương pháp, cách làm phải thận trọng, không cho phép mình làm sai. Người giáo viên dùng phương pháp nào thì sẽ cho ra đời những sản phẩm mang phong cách của những phương pháp đó. Ngoài tổ chức dạy học hiệu quả, Thầy luôn quan tâm giáo dục cho học sinh có lòng nhân ái, biết giúp đỡ, chia sẻ đối với những người xung quanh. Ở năm học 2018 - 2019, Thầy đã đứng ra tổ chức quyên góp ủng hộ, động viên một học sinh của trường bị ung thư chân.
Từng đảm nhận vai trò Tổ trưởng Tổ toán, Bí thư Đoàn trường, Phó Bí thư Chi bộ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Toán (từ năm 2009 đến nay, vì lí do sức khỏe nên Thầy đã xin thôi, chỉ tập trung giảng dạy) và dù ở cương vị nào, Thầy cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Về chuyên môn, Thầy đã có bề dày thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Từ năm 2006 đến nay, Thầy đã trực tiếp chủ nhiệm, phụ trách nhiều đội tuyển học sinh giỏi toán các khối lớp 6, 7, 8 tham dự các kỳ thi học sinh giỏi từ cấp huyện cho đến cấp quốc gia. Nhiều thế hệ học sinh Trường Trung học cơ sở Phan Huy Chú do thầy bồi dưỡng, giảng dạy đã giành nhiều giải cao trong các kì thi học sinh giỏi các cấp, trong đó có 2 em đạt giải Quốc gia Giải toán trên máy tính cầm tay, hàng năm có 4 - 6 học sinh giỏi tỉnh, hàng trăm học sinh giỏi huyện, nhiều học sinh đậu vào Trường Chuyên tỉnh. Năm 2018, 2 học sinh đạt giải cao trong cuộc thi giải toán Cangaroo toàn quốc…Chiến đấu với căn bệnh ung thư dạ dày đã 10 năm nay, sức khỏe có phần giảm sút, hai con còn nhỏ, vợ dạy hợp đồng ở xa, nhưng bằng ý chí, niềm tin và cái tâm của một nhà giáo, Thầy vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà nhà trường giao phó. Thầy Phi chia sẻ: "mỗi ngày đến trường luôn mang đến cho bản thân tôi nhiều cảm xúc, ở đó có các học sinh thân yêu, đồng nghiệp, phụ huynh tin tưởng, gửi gắm… đây chính là động lực thôi thúc để tôi luôn nỗ lực vươn lên". Dù cuộc sống trước mắt vẫn còn không ít khó khăn, song trong quan điểm, thái độ sống của Thầy luôn toát lên niềm lạc quan, tin tưởng, Thầy luôn cho rằng bản thân mình là vẫn còn may mắn, hạnh phúc hơn nhiều người kém may mắn khác.
Thầy giáo Phạm Lê Hòa - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phan Huy Chú cho biết thêm: “Thầy Phi là một giáo viên luôn sống hòa đồng, tận tâm, có trách nhiệm với nhà trường, học trò. Là người có năng lực, nhiệt tình trong công tác, có uy tín với đồng nghiệp, với phụ huynh. Dầu có hạn chế về sức khỏe, nhưng với trách nhiệm, đam mê, nhiệt huyết của một người giáo viên, Thầy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nhà trường giao, đặc biệt hơn hết đó là lương tâm, trách nhiệm của một nhà giáo ở trong Thầy”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Có thể nói rằng đây cũng là kiệt tác của lãnh đạo phòng Giáo dục đào tạo huyện Thạch Hà bấy giờ. Sau nhiều năm liền nghiên cứu và thí điểm; nhờ sự quan tâm sâu, sát, của lãnh đạo phòng đặc biệt là thầy: Lê Thuần Tứ cùng với sự lăn lộn trực tiếp của thầy và trò mà điển hình là thầy Lê Đức Hân và...