Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền: "Tôi là nhà giáo, tôi không thể làm như thế"

Thứ bảy - 15/02/2020 03:56
(GDVN) - “Việc học sinh không đến trường do yếu tố khách quan mang lại nên không thể trừ lương của giáo viên khiến cuộc sống của họ thêm khó khăn”, cô Hiền chia sẻ.
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền: "Tôi là nhà giáo, tôi không thể làm như thế"

Đề phòng dịch Covid-19 có chiều hướng phức tạp, các tỉnh thành đã cho học sinh nghỉ liên tiếp 2 tuần sau Tết Nguyên đán, cụ thể từ ngày 3 - 16/2/2020 để phòng, chống dịch.

Cũng vì thời gian nghỉ kéo dài tới hai tuần nên có ý kiến đặt ra vấn đề cắt giảm lương giáo viên. Những ý kiến này đang gặp phải sự phản đối từ nhiều giáo viên, phụ huynh.

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm Hà Nội bày tỏ sự phản đối trước ý kiến trừ lương giáo viên.

Trong thời gian học sinh không đến trường, nhiều nơi giáo viên vẫn thực hiện công tác giảng dạy online và làm vệ sinh, trực tại trường (ảnh minh họa - nguồn giaoduc.net.vn).

Cô Nguyễn Thị Hiền cho biết, học sinh ở nhà không đến trường nhưng giáo viên thì vẫn làm việc.

Đối với Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, các thầy cô vẫn phải hoàn thành những công việc của trường như chuẩn bị cho thay đổi sách giáo khoa, đào tạo chuyên môn và nặng nhất là chuẩn bị các bài dạy học sinh qua mạng internet. Học sinh không đến trường nhưng vẫn học bài.

Nhà trường vẫn duy trì việc dạy, ra bài tập, hướng dẫn học sinh học tập. Cách làm này của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm được các việc đó phụ huynh rất ủng hộ.

“Tôi cho rằng, việc học sinh không đến trường là do thiên tai, do yếu tố khách quan mang lại. Không thể đi rút lương của giáo viên khiến cuộc sống của họ thêm khó khăn.

Tôi là nhà giáo, tôi không thể làm như thế. Giáo viên vẫn phải làm việc, vẫn chuẩn bị bài cho học sinh, cùng các em ôn tập qua internet”.


Nói “giáo viên nghỉ dạy mà hưởng nguyên lương” là không hiểu gì về giáo dục

Chia sẻ thêm về công tác của nhà trường trong những ngày cho học sinh nghỉ ở nhà không đến trường, cô giáo Nguyễn Thị Hiền cho rằng, ngay khi có tình trạng bệnh dịch Covid-19, nhà trường đã yêu cầu ban giám hiệu tập hợp các giáo viên soạn chương trình học online cho học sinh từ lớp 1 nên mọi việc giáo viên luôn chủ động thích ứng với tình hình.

Cô Hiền nhấn mạnh: "Nghỉ do điều kiện khách quan mang lại mà không trả lương thì không được. Trong những ngày qua, giáo viên vẫn hướng dẫn học sinh học ở nhà, họ vẫn làm việc. Thậm chí, phụ huynh còn kêu các cô giao nhiều bài.

Thực tế, việc đó là để rèn học trò không chơi quá nhiều, đồng thời thông qua đó để dạy học sinh tự học tốt hơn. Giáo viên còn hướng dẫn các em đọc sách, rèn luyện ý thức tự học”.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, Luật sư Diệp Năng Bình phân tích, trước tình trạng báo động đỏ dịch viêm phổi cấp do chủng virus Corona theo công bố của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/02/2020; Thực hiện Chỉ thị Chính phủ, Công văn hoả tốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương, trường học đã cho học sinh - sinh viên nghỉ học liên tiếp 02 tuần sau Tết nguyên đán, cụ thể là từ ngày 03/02 đến hết ngày 16/02/2020.

Theo quy định của Bộ luật Lao động thì quãng thời gian giáo viên, nhân viên nhà trường học nghỉ làm do dịch bệnh được xác định là quãng thời gian ngừng việc.

Bộ luật Lao động 2012 quy định việc trả lương trong thời gian ngừng việc như sau: Nếu do lỗi của Người sử dụng lao động thì Người lao động vẫn phải trả đủ lương cho Người lao động, ngược lại nếu do lỗi của Người lao động thì Người lao động không được hưởng lương.

Đối với trường hợp ngừng việc vì nguyên nhân khách quan như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Điều này được hiểu là, thời gian giáo viên (kể cả hai nhóm giáo viên là viên chức làm việc theo hợp đồng lao động của viên chức, và giáo viên thực hiện công tác giáo dục theo hợp đồng lao động ký với trường học, công – nhân viên trường học) nghỉ theo chỉ đạo Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thời gian ngừng việc này không do lỗi của giáo viên và trường học, mà do nguyên nhân khách quan là dịch bệnh.


Nghỉ phòng dịch CoVid-19, giáo viên nhận hàng trăm E-mail bài tập của học sinh

Theo đó, trường học - các đơn vị sự nghiệp giáo dục vẫn thực hiện thanh toán lương cho giáo viên, nhân viên trường học nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. (Vùng I: 4.420.000đồng/tháng, Vùng II: 3.920.000đồng/tháng; Vùng III: 3.430.000đồng/tháng, Vùng IV 3.070.000đồng/tháng), như vậy thu nhập đó không còn căn cứ theo hợp đồng lao động.

Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, riêng đối với giáo viên là viên chức thì vẫn được hưởng các khoản phụ cấp như:

Phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp lưu động, phụ cấp khu vực… theo quy định của Luật Viên chức 2010, Luật Giáo dục 2005 (sắp thay thế bởi Luật Giáo dục 2019) và Bộ luật Lao động 2013.

Dịch Viêm phổi cấp do Coronavirus có khả năng kéo dài, trong trường hợp khẩn cấp nhất, tất cả các lĩnh vực lao động khác cũng có khả năng đóng băng, người lao động phải ngừng việc ở nhà để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.

Trong trường hợp này, không chỉ giáo viên, mà tất cả người lao động trong các lĩnh vực ngành nghề, khi có thông báo của Bộ, yêu cầu được nghỉ việc thì giáo viên vẫn được hưởng lương trong thời gian ngừng việc.

Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015, thì “Nguồn dự phòng ngân sách nhà nước là một khoản mục trong dự toán chi ngân sách chưa phân bổ đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định ở từng cấp ngân sách” và được sử dụng trong những trường hợp chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói;

Nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác. Xem xét quy định này, trong trường hợp thiệt hại do dịch bệnh thì Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan phối hợp cân nhắc trình Thủ tướng có thể xem xét quyết định việc sử dụng nguồn ngân sách dự phòng trung ương trong công tác khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra.

Từ nguồn ngân sách này, các Bộ - Ban- Ngành có thể sử dụng để hỗ trợ các Doanh nghiệp khắc phục hậu quả, trong đó có phần thanh toán lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc.


Bộ Y tế khuyến cáo khi đi học trở lại

Ngoài ra, vị luật sư này cho rằng, theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Theo đó, một sự kiện được xem là bất khả kháng khi đáp ứng các điều kiện sau: Sự kiện xảy ra một cách khách quan, nằm ngoài phạm vi kiểm soát của bên vi phạm hợp đồng;

Hậu quả của sự kiện không thể lường trước được tại thời điểm giao kết hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng cho đến trước thời điểm xảy ra hành vi vi phạm;

Hậu quả của sự kiện đó không thể khắc phục được mặc dù áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Do đó, dựa trên các điều kiện cấu thành thì trường hợp dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona được xác định thuộc sự kiện bất khả kháng.

Theo khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ như sau: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 không đề cập tới trách nhiệm hoàn trả học phí đã thu do trường hợp bất khả kháng.

Đồng thời, trong thời gian học sinh nghỉ học, nhà trường vẫn phải thanh toán tiền lương cho người lao động, cho giáo viên và các chi phí khác để vận hành nhà trường.

Do vậy, nhà trường vẫn phải chịu trách nhiệm thanh toán lương cho giáo viên và không phải chịu trách nhiệm bồi hoàn lại khoản học phí đã thu.

Trừ trường hợp trong quy chế, nội quy nhà trường hoặc các cam kết giữa nhà trường và phụ huynh học sinh có đề cập tới điều khoản hoàn trả học phí khi thuộc trường hợp bất khả kháng.

Tuy nhiên, nhà trường cần phải xem xét về việc trả lại tiền ăn cho phụ huynh căn cứ trên số buổi nghỉ theo quy chế được quy định tại Quy chế nhà trường hoặc các văn bản cam kết khác, có phần thanh toán lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc.

Hơn nữa, giáo viên nghỉ dạy thì phải dạy bù lại vào thời gian thích hợp sau do đó việc bảo đảm quyền lợi cho giáo viên là cần thiết.

Trinh Phúc

Tác giả bài viết: Admin

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

PCGD
BO GDDT
SMAS
Violet
Bo GDDT
Trường học kết nối
ViettelStudy
Youtube

Giới thiệu về Trường THCS Phan Huy Chú, Thạch Hà, Hà Tĩnh

Có thể nói rằng đây cũng là kiệt tác của lãnh đạo phòng Giáo dục đào tạo huyện Thạch Hà bấy giờ. Sau nhiều năm liền nghiên cứu và thí điểm; nhờ sự quan tâm sâu, sát, của lãnh đạo phòng đặc biệt là thầy: Lê Thuần Tứ cùng với sự lăn lộn trực tiếp của thầy và trò mà điển hình là thầy Lê Đức Hân và...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây